Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực ngành y tế

Cập nhật lúc 20:28, Thứ Hai, 26/03/2012 (GMT+7)
Để hoàn thành chỉ tiêu 8 bác sĩ/vạn dân vào năm 2015, Đồng Nai cần có thêm 1.000 bác sĩ, 280 dược sĩ đại học và 3.000 điều dưỡng.
Theo Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Minh Hoàn, ngành đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực. Không chỉ có tình trạng đào tạo cung không đủ cầu, chính sách thu hút chưa đủ hấp dẫn mà còn có sự chuyển dịch cán bộ y tế trình độ cao từ bệnh viện công sang tư…
* “Trải thảm đỏ” để thu hút...
Đứng trước thực tế này, ngành y tế đã chủ động xây dựng và đề xuất nhiều giải pháp để phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tại buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy mới đây, Phó giám đốc Sở Y tế Trương Thị Thu Hằng cho hay: “Cách đây 5 năm, toàn ngành có 668 bác sĩ, sau khi thực hiện nhiều giải pháp tích cực, như: bỏ tiêu chí phải có hộ khẩu Đồng Nai, bỏ thi tuyển, trao quyền tự chủ cho lãnh đạo các bệnh viện để thực hiện chính sách tuyển dụng theo nhu cầu đơn vị… số lượng bác sĩ đã tăng lên 1.160 người. Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, thực hiện đề án thu hút bác sĩ của tỉnh, ngành đã “hút” được 133 bác sĩ từ các địa phương khác. Song, ngành cũng thiếu hụt đi một lượng bác sĩ tương đương do nghỉ hưu, nghỉ việc, chuyển công tác…”.
Chế độ thu hút đãi ngộ cao, nhưng vẫn chưa hấp dẫn được nhiều bác sĩ. ẢNH: P.Liễu
Chế độ thu hút đãi ngộ cao, nhưng vẫn chưa hấp dẫn được nhiều bác sĩ. Ảnh: P.Liễu
Lãnh đạo các bệnh viện cũng nêu những khó khăn về tình trạng thiếu hụt này. Hầu như bệnh viện nào cũng “trải thảm đỏ” với chính sách đãi ngộ khá ấn tượng như: chi thêm ngoài quy định của tỉnh đến 50 triệu đồng/bác sĩ, 80 triệu đồng/bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, thạc sĩ, thậm chí 100 triệu đồng/tiến sĩ…
Ngay những bệnh viện tuyến khu vực và tuyến huyện cũng chi  từ 50-90 triệu đồng/bác sĩ, chuyên khoa 1, thạc sĩ cộng với việc bảo đảm mức lương tối thiểu 5 triệu đồng/tháng, tạo điều kiện thuận lợi về chỗ ở, công việc, học hành cho người thân của bác sĩ về theo chế độ thu hút… nhưng vẫn chưa đủ hấp dẫn để “hút” được nhân lực theo nhu cầu.
Trong khi đó, cũng chính tại nhiều bệnh viện công, đội ngũ bác sĩ đang bị các bệnh viện tư nhân trong và ngoài tỉnh, bệnh viện công tuyến trung ương “hút” đi. Cá biệt, có bệnh viện trong năm qua đã phải chuyển công tác đến 11 bác sĩ.
Ngành y tế đã chủ động liên kết với các trường đại học y - dược để bác sĩ với nhiều hình thức đào tạo: liên thông, theo địa chỉ, cử tuyển… nhưng số đào tạo ra cũng chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu. Chưa kể từ năm 2011, các loại hình đào tạo này được Bộ Y tế thắt chặt đầu vào bằng việc phân chỉ tiêu cho từng địa phương, vì thế, trong thời gian tới, số lượng được đưa đi đào tạo ở cả ba hình thức đều sẽ giảm đi rất nhiều.
TS.BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai bức xúc: “Thực tế, mức lương cơ bản và chế độ thu hút bác sĩ ở Đồng Nai không thấp so với nhiều tỉnh, thành khác nhưng sự lựa chọn của họ không phải ở 2 nguồn này, mà chính là thu nhập tăng thêm”.
Trăn trở về tình trạng vừa không thu hút được lại còn bị “mất” bác sĩ trình độ cao đã dày công đào tạo, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Phạm Văn Dũng cho biết: “Để phục vụ cho việc thành lập Trung tâm tim mạch can thiệp, bệnh viện đưa 3 bác sĩ đi đào tạo chuyên khoa sâu về tim mạch. Nhưng bác sĩ đào tạo về không có thiết bị để làm và đã được các bệnh viện ở TP.Hồ Chí Minh mời về làm việc với điều kiện, môi trường thuận lợi. Điều này gây lãng phí rất lớn về tiền bạc, thời gian, công sức đào tạo mà lại không giữ chân được anh em”.
* Đi tìm giải pháp…
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Trí cho rằng: “Thu hút chỉ là giải pháp tạm thời. Giải pháp phù hợp, bền vững là phát huy nguồn nội lực. Cần xem lại công tác đào tạo theo địa chỉ như: lâu nay tỉnh rất quan tâm đến những sinh viên thiếu ít điểm vào trường y và hỗ trợ học phí để các em này đi học, nhưng còn những em học giỏi, đậu thẳng lại bị bỏ quên. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Nội vụ tiến hành rà soát toàn địa bàn có tất cả bao nhiêu sinh viên đang theo học ngành y, cả mới và cũ để tính toán việc hỗ trợ, nhằm động viên các em sau khi ra trường sẽ về Đồng Nai làm việc”.
Bác sĩ Lê Sĩ Chí Cường về công tác tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành theo chế độ thu hút, được chăm lo đời sống tốt và thu nhập cao.
Bác sĩ Lê Sĩ Chí Cường về công tác tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành theo chế độ thu hút, được chăm lo đời sống tốt và thu nhập cao.
Còn Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đặng Mạnh Trung cho rằng: “Thêm nguồn thu hợp pháp và chính đáng cho bác sĩ để tăng sức hấp trong thu hút là điều cần làm. Tuy nhiên, cần phải bảo đảm quyền lợi của người bệnh ở bệnh viện công không bị dịch vụ tư lạm dụng”.
“Thực tế, việc thiếu - đủ, thiếu nhiều - thiếu ít bác sĩ không phải ở số lượng mà tùy thuộc vào chất lượng của đội ngũ này. Để giải quyết tình trạng thiếu hụt này, trước mắt ngành y tế cần khảo sát, đánh giá chuyên môn, năng lực của toàn bộ đội ngũ cán bộ y tế trong ngành để có hướng tập trung, ưu tiên đào tạo, tuyển dụng, thu hút cho phù hợp. Riêng các bệnh viện, cần tạo môi trường làm việc thân thiện, khơi gợi được tiềm năng, sức sáng tạo, đóng góp của bác sĩ và cán bộ y tế trình độ cao để họ yên tâm gắn bó và phát triển nghề nghiệp” - Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành nhấn mạnh. 
Cũng theo chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, ngành y tế cần rà soát hệ thống y tế tư nhân trong việc cùng y tế công lập tham gia bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tỉnh sẽ tạo điều kiện về thủ tục đầu tư, ưu đãi về thuế, về đất đai để khuyến khích hệ thống y tế tư nhân phát triển, hướng tới việc người dân trên địa bàn được chăm sóc sức khỏe tốt nhất, dù là ở bệnh viện công hay tư.
Phương Liễu

Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

Phát hiện hội chứng Down khi thai nhi chỉ mới từ 11 đến gần 14 tuần


Phát hiện hội chứng Down khi thai nhi chỉ mới từ 11 đến gần 14 tuần

Hội chứng Down- một dạng chậm phát triển tâm thần khiến cho bệnh nhân trở nên khù khờ và hầu như không có khả năng học hành- là rối loạn di truyền thường gặp nhất trong các trẻ sơ sinh còn sống và cũng chính là loại rối loạn dễ bị bỏ sót nhất trên siêu âm.

Đây là hội chứng không thể chữa khỏi được, gây một gánh nặng rất lớn cho gia đình và xã hội. Với sự phát triển của y học ngày nay, chúng ta có thể phát hiện được đến 90% các trường hợp hội chứng Down từ khi đứa trẻ chỉ mới được 11 đến 13 tuần 6 ngày trong bụng mẹ.
Nguy cơ trẻ mắc hội chứng Down gia tăng theo tuổi mẹ. Do đó, từ những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, một số nước phát triển đã áp dụng biện pháp tầm soát hội chứng Down dựa trên yếu tố tuổi mẹ. Tất cả những sản phụ  trên 35 tuổi đều được tham vấn để chọc ối (hút nước ối  qua thành bụng để kiểm tra bộ nhiễm sắc thể của thai nhi, từ đó chẩn đoán hội chứng Down). Tuy nhiên, tỷ lệ hội chứng Down được phát hiện chỉ gần 30%. Có nghĩa là trong 10 trẻ Down, chỉ có 3 trẻ được phát hiện trước sanh để chấm dứt thai kỳ và 7 trẻ còn lại bị bỏ sót.

Đến thập niên 80, việc tầm soát hội chứng Down dựa trên sự phối hợp tuổi mẹ và xét nghiệm các dấu ấn sinh học thai trong máu mẹ (AFP, HCG và UE3) khi thai 16-18 tuần để kiểm tra nguy cơ mắc hội chứng Down ở đứa trẻ trước khi thai phụ được tham vấn có nên chọc ối hay không. Cũng xin nói thêm rằng chọc ối có thể làm gia tăng một số nguy cơ đối với thai nhi, chẳng hạn như sinh non hoặc sẩy thai. Phương pháp này giúp phát hiện khoảng 60% hội chứng Down. Điều này có nghĩa nếu làm xét nghiệm sinh hóa sàng lọc hội chứng Down cho tất cả sản phụ có thai trong giai đoạn 16-18 tuần thì cũng chỉ có 6 trong 10 trẻ Down được phát hiện trước sanh.
Đến thập niên 90, giới chuyên môn ghi nhận có sự liên quan giữa độ mờ da gáy dày ở bào thai và hội chứng Down. Độ mờ da gáy càng dày thì nguy cơ hội chứng Down càng tăng. Cần nhớ rằng, dấu hiệu này chỉ xuất hiện trong một giai đoạn từ 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày. Sau 14 tuần, da gáy sẽ trở về bình thường và điều này không có nghĩa là thai bình thường. Sàng lọc hội chứng Down dựa trên tuổi mẹ phối hợp với đo độ mờ da gáy thai 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày sẽ giúp phát hiện gần 80% hội chứng DOWN. Cần lưu ý, nếu da gáy dày nhưng nhiễm sắc thể bình thường (trẻ không bị hội chứng Down), thì trẻ vẫn có nguy cơ cao bị dị tật tim thai. Nếu độ mờ da gáy >3.5mm, khoảng 1/3 trường hợp sẽ có bất thường nhiễm sắc thể.  Trong 2/3 các trường hợp còn lại sẽ có 1/16 trường hợp có dị tật tim (Thống kê của Viện Y khoa thai nhi, đặt ở London- Anh Quốc). Do đó, khi thai có da gáy dày và nhiễm sắc thể bình thường thì vẫn cần được một chuyên gia về tim thai siêu âm lúc 22 tuần.
Hiện nay, việc sàng lọc hội chứng Down dựa trên sự phối hợp giữa yếu tố tuổi mẹ, siêu âm đo độ mờ da gáy và xét nghiệm các dấu ấn sinh học thai (PAPP-A, free beta HCG) trong máu mẹ ở tuổi thai 11 tuần -13 tuần 6 ngày. Tất cả các yếu tố này sẽ được một phần mềm chuyên dụng tính toán phối hợp lại, đưa ra một nguy cơ cuối cùng về  khả năng sanh con Down của sản phụ là bao nhiêu. Nếu nguy cơ cao, sản phụ sẽ được tham vấn chọc ối. Phương pháp này giúp phát hiện 90% hội chứng Down. Như vậy, trong 10 trẻ Down, chỉ có một trẻ bị bỏ sót.
Mới đây, Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) đã phối hợp với Hiệp hội siêu âm Úc (ASUM) và Tổ chức y học thai nhi (FMF) ở London mở lớp tập huấn siêu âm đo độ mờ da gáy và kỹ thuật sinh thiết gai nhau (lấy mẫu nhau của thai nhi để kiểm tra bộ nhiễm sắc thể) để tầm soát và chẩn đoán hội chứng Down giai đoạn sớm: từ 11 -13 tuần 6 ngày. Khoảng 140 học viên từ 32 tỉnh thành phía Nam đã về tham dự. Bệnh viện Từ Dũ là nơi đầu tiên trong cả nước được chính thức công nhận đủ khả năng đo độ mờ da gáy và được sử dụng phần mềm chuyên dụng tính nguy cơ hội chứng DOWN từ FMF London dựa trên sự phối hợp yếu tố tuổi mẹ, bề dày độ mờ da gáy và xét nghiệm sinh hóa máu mẹ ở tuổi thai 11 đến 13 tuần 6 ngày.
Như vậy, để tầm soát tốt nhất hội chứng DOWN, thai phụ cần siêu âm đo độ mờ da gáy và xét nghiệm sinh hóa sàng lọc giai đoạn 11 tuần -13 tuần 6 ngày. Phần mềm của FMF sẽ giúp tính ra nguy cơ hội chứng DOWN. Nếu có nguy cơ cao ( >1/300),  sản phụ sẽ được tham vấn sinh thiết gai nhau hoặc chọc ối để chẩn đoán xác định.

Thứ Tư, 7 tháng 3, 2012

Xét nghiệm máu của người mẹ để phát hiện thai nhi bị dị tật bẩm sinh

Khi có nghi ngờ mang 1 thai bị dị tật bẩm sinh (DTBS) bác sĩ sẽ khuyên người mẹ nên làm xét nghiệm máu để đánh giá nguy cơ. Nếu xét nghiệm cho kết quả dương tính thì gần như chắc chắn bào thai đó mắc dị tật bẩm sinh. Nói như vậy là vì có tời 70-90% số thai có xét nghiệm dương tính đó, nếu được sinh ra sẽ bị bệnh. thai nghén .net


Siêu âm cũng là một biện pháp sàng lọc

Bài viết này chỉ cung cấp kiến thức chung nhất về các xét nghiệm sàng lọc. Thai phụ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ truớc khi đưa ra bất kì quyết định nào.


Xét nghiệm máu để phát hiện và đo hàm lượng của một số chất trong máu (gọi là chất chỉ điểm hay marker) chúng bao gồm PAPP - A (thai ở tuần tuổi 11 đến 13) và 3 chất AFP, β hCG tự do và uE3 (thai ở tuần tuổi từ 14 đến 20). Tùy trường hợp, tùy tuổi thai và trình độ kĩ thuật, máy móc mà người ta xét nghiệm một, hai, ba hay cả 4 chất đó.
Nếu xét nghiệm 2 chất chỉ điểm thì gọi là Double test (double là 2 mà )
Nếu xét nghiệm 3 chất chỉ điểm thì gọi là Triple test (giống như double, triple là 3)
Nếu xét nghiệm 4 chất chỉ điểm thì gọi là Quadrupt test.
Chúng được gọi là các biện pháp sàng lọc trước sinh.

Hiện nay trên thế giới đã nghiên cứu các chất chỉ điểm trên kết hợp thành nhiều bộ test ưu việt VD như Combine test, có thể tiến hành rất sớm từ tuần thứ 9 của thai kì và có độ chính xác cao. Phát hiện 1 thai bị dị tật bẩm sinh ngay từ giai đoạn sớm giúp việc phá thai dễ dàng hơn cho bác sĩ, do vậy ít tai biến cho người mẹ và tâm lý gia đình bớt nặng nề đi.
Không ai muốn phá một cái thai khi nó đã quá lớn cả.

Vì các bộ test đó không phát hiện được 100% các trường hợp do vậy chúng không có ý nghĩa trong việc chẩn đoán, nhưng tỉ lệ phát hiện của chúng khá cao và vì lợi ích kinh tế nên chúng được sử dụng để làm xét nghiệm đồng loạt cho nhiều người để phát hiện một số bệnh và hội chứng đã biết.


Sàng lọc trước sinh nhằm phát hiện những thai phụ có nguy cơ cao mang thai bị dị tật bẩm sinh như hội chứng Down (tam thể 21), hội chứng Edward (tam thể 1 và dị tật ống thần kinh.


Hội chứng Down (hay còn gọi là Trisomy 21)


Hội chứng Down là một dị tật bẩm sinh nặng, gặp nhiều nhất trong các dị tật bẩm sinh (DTBS) thường gặp. Thai mắc hội chứng Down có 3 nhiễm sắc thể số 21 trong bộ nhiễm sắc thể (bình thường chỉ có 2 chiếc trong 1 cặp).

Một trẻ mắc hội chứng Down

Trẻ mắc hội chứng Down có trí tuệ rất kém phát triển, IQ (chỉ số thông minh) rất thấp khoảng 40-50, gần như không có khả năng học tập. Các dị tật bẩm sinh về tim, mắt, tai, hệ tiêu hóa, cơ, xương … là nguyên nhân chính gây tử vong (chết lưu hoặc chết sau khi sinh) một số rất it có thể sống được là do dị tật cơ quan nhẹ hơn. Tuổi của người mẹ khi mang thai càng cao thì nguy cơ sinh con bị hội chứng Down càng lớn.

Hội chứng Edwards (Trisomy 18)


Đây cũng là một dị tật bẩm sinh nặng gây tử vong nhiều, mức độ phổ biến trong các loại DTBS chỉ đứng sau hội chứng Down. Rất ít trẻ mắc hội chứng Edward sống quá một tuổi.

Hình ảnh trẻ mắc hội chứng Edwards

Thai bị hội chứng Edwards bị các dị tật nặng ở các cơ quan như tim, cơ quan tiêu hóa, thận tiết niệu. Trí tuệ và vận động đếu rất kém phát triển. Nếu sống sót, trẻ mắc hội chứng tam thể 18 cũng không có khả năng đi lại, nói, do đó phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của người khác.

Dị tật ống thần kinh


Đó là do sự khép không hoàn toàn của ống thần kinh trong thời kì phôi thai, dẫn đến các dị tật nặng như thoát vị não - màng não (não bị thoát ra ngoài hộp sọ do hộp sọ hở) thai vô sọ, nứt đốt sống… Dị tật ống thần kinh gây sẩy thai hoặc chết sau sinh ở hầu hết các trường hợp. Nứt đốt sống có thể làm liệt hoàn toàn chi dưới kèm rối loạn bàng quang, rối loạn tiêu hoá.


Dị tật hở thành bụng


Trẻ có lỗ hở ở thành bụng làm cho ruột chui ra ngoài thành bụng. Những trẻ này thường bị những khuyết tật khác kèm theo.


Dị tật hở ống thần kinh và thành bụng thường được phát hiện nhờ siêu âm và đo AFP trong máu mẹ khi thai nhi được 14 - 20 tuần tuổi.


Những ai có nguy cơ sinh ra trẻ bị các dị tật trên?

Tất cả thai phụ đều có thể có nguy cơ sinh ra trẻ bị một trong các dị tật trên nhưng thai phụ lớn tuổi hoặc đã từng bị thai chết lưu hoặc trong gia đình người vợ hoặc chồng có người bị DTBS là có nguy cơ lớn hơn. Riêng vứi các thai phụ lớn tuổi (trên 35 tuổi) có nguy cơ cao sinh con bị hội chứng Down hay hội chứng Edward.


Sàng lọc trước sinh đuợc tiến hành thế nào?


Thai phụ sẽ được lấy mẫu máu làm xét nghiệm tại các trung tâm chẩn đoán trước sinh. Ở Việt nam thường tiến hành làm xét nghiệm Triple test hoặc Double test. Kèm theo đó sẽ được làm siêu âm thai để tăng cường hiệu quả sàng lọc.


Sau 1 tuần, kết quả xét nghiệm sàng lọc sẽ được gửi cho thai phụ và thông báo cho biết kết quả âm tính hay dương tính - nghĩa là có nguy cơ hay không.


Cần chú ý rằng có nguy cơ chứ không phải chắc chắn. Do vậy, nếu xét nghiệm dương tính mà không có nghi ngờ gì khác, bác sĩ sẽ yêu cầu làm chọc ối để làm tiêu bản/ nuôi cấy tế bảo để xác định bộ nhiễm sắc thể của thai. Xét nghiệm chọc ối cho kết quả chính xác tới 99% do đó có thể coi là chẩn đoán xác định - chắc chắn thai bị DTBS nếu kết quả dương tính.


Vậy nên, nếu Kết quả sàng lọc âm tính bạn cũng không nên chủ quan, phải theo dõi và siêu âm lại sau 2 tuần.


Những xét nghiệm nào cần làm khi có sàng lọc dương tính?


-
Siêu âm: do các bác sĩ có kinh nghiệm thực hiện. Qua siêu âm các bác sĩ có thể phát hiện thai vô sọ, hở thành bụng, nứt đốt sống … nhưng không thể xác định thai có hội chứng Down hoặc hội chứng Edward một cách chắc chắn.

-
Nhiễm sắc thể đồ: như đã nói ở trên, là một xét nghiệm di truyền tế bào giúp xác định số lượng và cấu trúc nhiễm sắc thể của thai từ đó biết được các rối loạn nhiễm sắc thể, trong đó có hội chứng tam thể 21, tam thể 18.

Choc hút dịch ối
là dùng 1 kim dài, dưới sự hướng dẫn của siêu âm và do bác sĩ có chuyên môn và kinh nghiệm tiến hành. Bác sĩ sẽ hút một ít nước ối bao quanh thai nhi, rồi nuôi cấy tế bào ối và quan sát nhiễm sắc thễ dưới kính hiển vi. Tuy nhiên, do tác động vào bào thai nên chúng có nguy cơ nhất định tới sự sống của thai nhi, dù tỉ lệ này rất nhỏ, chỉ 1% nhưng bạn cần hỏi thật kĩ ý kiến của bác sĩ rồi mới quyết định. Ở nhiều nước, xét nghiệm này được thực hiện ở tất cả các thai phụ có nguy cơ cao và thai phụ trên 35 tuổi.

Sàng lọc trước sinh có lợi ích gì?


Lợi ích trước hết cho cho thai phụ và gia đình gia đình sau đó là cho cộng đồng


- Cơ hội sinh con khoẻ mạnh nhiều hơn.

- Lựa chọn đình chỉ thai nghén khi phát hiện thai nhi bị dị tật bẩm sinh.
- Tư vấn sinh con những lần sau để có được đứa trẻ khỏe mạnh.
- Có kế hoạch sinh và chăm sóc trẻ bị dị tật một cách tốt nhất trong trường hợp thai phụ quyết định giữ thai.
- Giảm lo lắng về khả năng sinh con bị dị tật.
- Giảm chi phí cho gia đình và xã hội.
- Góp phần cải thiện chất lượng dân số.

Khám phá sự phát triển của thai nhi


Có rất nhiều điều xảy ra đối với em bé đang phát triển trong bụng mẹ mà các bà bầu muốn khám phá và tìm hiểu.
Dưới đây là 14 điều có thể bạn chưa biết về thai nhi:
1. Không phải là một trong một triệu mà chỉ duy nhất một trong hai triệu tinh trùng gặp được trứng và thụ tinh cho trứng. Chính vì vậy, em bé đến được với bạn là điều kỳ diệu và may mắn nhất của tạo hóa.

2. Chỉ 22 ngày sau khi thụ thai, tim của em bé đã bắt đầu đập, khi đó, em bé có kích thước chỉ bằng một hạt giống mà thôi. Nhịp tim đập nhanh gần như giống nhịp tim của mẹ, đạt 157 nhịp mỗi phút vào cuối tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ.


3. Vào thời điểm 6 tuần, kích thước của bé bằng khoảng hạt đậu, đã hình thành khuôn mặt và đầu của bộ phận sinh dục.
4. Từ tuần thứ 9 – tuần thứ 12, em bé xuất hiện những sợi tóc đầu tiên, lông mày mới chỉ phát triển ở mức là những sợi tơ.
5.   Tất cả các cơ quan chính của thai nhi đều được hình thành và có đầy đủ các chức năng cần thiết khi bước vào tuần thứ 13, dù lúc này kích thước của thai nhi không lớn hơn nắm tay của người lớn.
6. 18 tuần chính là khoảng thời gian người mẹ lần đầu cảm nhận được những chuyển động của thai nhi trong bụng mình, nếu là lần đầu mang thai, bạn sẽ có thể cảm nhận điều này muộn hơn 1 chút. Các bà mẹ có kinh nghiệm sẽ cảm nhận con đạp sớm hơn, tuy nhiên, thai nhi thực chất đã hoạt động trong bụng mẹ khi được 8 tuần, tuy nhiên vì kích thước quá nhỏ nên người mẹ khó lòng nhận biết.
7. Nhau thai bơm khoảng 35% máu trong cơ thể của bạn và vận chuyển tới cho em bé (khoảng 500ml mỗi phút).
8. Bé có dấu vân tay từ khi được 17 tuần và dấu vân tay này sẽ là duy nhất và theo em bé đến tận cuối đời.
9. Bước vào tuần thứ 20, bé sẽ thải ra khoảng 3tbsp nước tiểu mỗi ngày, nước tiểu hình thành là do lượng nước ối bé nuốt khi ở trong bụng mẹ.
10. Tai của bé có cấu trúc hoàn chỉnh ở tuần thứ 24 và bé có thể nghe thấy tiếng ồn từ bên trong và bên ngoài tử cung, nhưng giọng nói của người mẹ chính là âm thanh lớn nhất và quen thuộc nhất bé nghe thấy mối ngày. Giọng nói của mẹ cũng chính là âm thanh dễ xoa dịu được bé nhất khi sau này ra đời.
11. Đôi mắt của bé mở ra lần đầu tiên khi bước vào tuần thứ 26, nhưng vì còn ở trong bụng mẹ nên bé chẳng thể nhìn thấy gì ngoài khoảng không gian tối tăm.
12. Trong tam cá nguyệt cuối cùng, em bé có thêm một lượng chất béo nhất định mỗi ngày.
13. Từ tuần thứ 32, cơ thể của thai nhi đặc biệt nhạy cảm khi bị người khác động chạm, thậm chí bé còn cảm nhận được những cơn đau khi trong bụng mẹ.
14. Đến cuối thai kỳ, tử cung của bạn lớn gấp 500 – 1000 lần so với kích thước bình thường.

Theo BC/Eva