Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực ngành y tế

Cập nhật lúc 20:28, Thứ Hai, 26/03/2012 (GMT+7)
Để hoàn thành chỉ tiêu 8 bác sĩ/vạn dân vào năm 2015, Đồng Nai cần có thêm 1.000 bác sĩ, 280 dược sĩ đại học và 3.000 điều dưỡng.
Theo Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Minh Hoàn, ngành đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực. Không chỉ có tình trạng đào tạo cung không đủ cầu, chính sách thu hút chưa đủ hấp dẫn mà còn có sự chuyển dịch cán bộ y tế trình độ cao từ bệnh viện công sang tư…
* “Trải thảm đỏ” để thu hút...
Đứng trước thực tế này, ngành y tế đã chủ động xây dựng và đề xuất nhiều giải pháp để phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tại buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy mới đây, Phó giám đốc Sở Y tế Trương Thị Thu Hằng cho hay: “Cách đây 5 năm, toàn ngành có 668 bác sĩ, sau khi thực hiện nhiều giải pháp tích cực, như: bỏ tiêu chí phải có hộ khẩu Đồng Nai, bỏ thi tuyển, trao quyền tự chủ cho lãnh đạo các bệnh viện để thực hiện chính sách tuyển dụng theo nhu cầu đơn vị… số lượng bác sĩ đã tăng lên 1.160 người. Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, thực hiện đề án thu hút bác sĩ của tỉnh, ngành đã “hút” được 133 bác sĩ từ các địa phương khác. Song, ngành cũng thiếu hụt đi một lượng bác sĩ tương đương do nghỉ hưu, nghỉ việc, chuyển công tác…”.
Chế độ thu hút đãi ngộ cao, nhưng vẫn chưa hấp dẫn được nhiều bác sĩ. ẢNH: P.Liễu
Chế độ thu hút đãi ngộ cao, nhưng vẫn chưa hấp dẫn được nhiều bác sĩ. Ảnh: P.Liễu
Lãnh đạo các bệnh viện cũng nêu những khó khăn về tình trạng thiếu hụt này. Hầu như bệnh viện nào cũng “trải thảm đỏ” với chính sách đãi ngộ khá ấn tượng như: chi thêm ngoài quy định của tỉnh đến 50 triệu đồng/bác sĩ, 80 triệu đồng/bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, thạc sĩ, thậm chí 100 triệu đồng/tiến sĩ…
Ngay những bệnh viện tuyến khu vực và tuyến huyện cũng chi  từ 50-90 triệu đồng/bác sĩ, chuyên khoa 1, thạc sĩ cộng với việc bảo đảm mức lương tối thiểu 5 triệu đồng/tháng, tạo điều kiện thuận lợi về chỗ ở, công việc, học hành cho người thân của bác sĩ về theo chế độ thu hút… nhưng vẫn chưa đủ hấp dẫn để “hút” được nhân lực theo nhu cầu.
Trong khi đó, cũng chính tại nhiều bệnh viện công, đội ngũ bác sĩ đang bị các bệnh viện tư nhân trong và ngoài tỉnh, bệnh viện công tuyến trung ương “hút” đi. Cá biệt, có bệnh viện trong năm qua đã phải chuyển công tác đến 11 bác sĩ.
Ngành y tế đã chủ động liên kết với các trường đại học y - dược để bác sĩ với nhiều hình thức đào tạo: liên thông, theo địa chỉ, cử tuyển… nhưng số đào tạo ra cũng chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu. Chưa kể từ năm 2011, các loại hình đào tạo này được Bộ Y tế thắt chặt đầu vào bằng việc phân chỉ tiêu cho từng địa phương, vì thế, trong thời gian tới, số lượng được đưa đi đào tạo ở cả ba hình thức đều sẽ giảm đi rất nhiều.
TS.BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai bức xúc: “Thực tế, mức lương cơ bản và chế độ thu hút bác sĩ ở Đồng Nai không thấp so với nhiều tỉnh, thành khác nhưng sự lựa chọn của họ không phải ở 2 nguồn này, mà chính là thu nhập tăng thêm”.
Trăn trở về tình trạng vừa không thu hút được lại còn bị “mất” bác sĩ trình độ cao đã dày công đào tạo, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Phạm Văn Dũng cho biết: “Để phục vụ cho việc thành lập Trung tâm tim mạch can thiệp, bệnh viện đưa 3 bác sĩ đi đào tạo chuyên khoa sâu về tim mạch. Nhưng bác sĩ đào tạo về không có thiết bị để làm và đã được các bệnh viện ở TP.Hồ Chí Minh mời về làm việc với điều kiện, môi trường thuận lợi. Điều này gây lãng phí rất lớn về tiền bạc, thời gian, công sức đào tạo mà lại không giữ chân được anh em”.
* Đi tìm giải pháp…
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Trí cho rằng: “Thu hút chỉ là giải pháp tạm thời. Giải pháp phù hợp, bền vững là phát huy nguồn nội lực. Cần xem lại công tác đào tạo theo địa chỉ như: lâu nay tỉnh rất quan tâm đến những sinh viên thiếu ít điểm vào trường y và hỗ trợ học phí để các em này đi học, nhưng còn những em học giỏi, đậu thẳng lại bị bỏ quên. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Nội vụ tiến hành rà soát toàn địa bàn có tất cả bao nhiêu sinh viên đang theo học ngành y, cả mới và cũ để tính toán việc hỗ trợ, nhằm động viên các em sau khi ra trường sẽ về Đồng Nai làm việc”.
Bác sĩ Lê Sĩ Chí Cường về công tác tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành theo chế độ thu hút, được chăm lo đời sống tốt và thu nhập cao.
Bác sĩ Lê Sĩ Chí Cường về công tác tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành theo chế độ thu hút, được chăm lo đời sống tốt và thu nhập cao.
Còn Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đặng Mạnh Trung cho rằng: “Thêm nguồn thu hợp pháp và chính đáng cho bác sĩ để tăng sức hấp trong thu hút là điều cần làm. Tuy nhiên, cần phải bảo đảm quyền lợi của người bệnh ở bệnh viện công không bị dịch vụ tư lạm dụng”.
“Thực tế, việc thiếu - đủ, thiếu nhiều - thiếu ít bác sĩ không phải ở số lượng mà tùy thuộc vào chất lượng của đội ngũ này. Để giải quyết tình trạng thiếu hụt này, trước mắt ngành y tế cần khảo sát, đánh giá chuyên môn, năng lực của toàn bộ đội ngũ cán bộ y tế trong ngành để có hướng tập trung, ưu tiên đào tạo, tuyển dụng, thu hút cho phù hợp. Riêng các bệnh viện, cần tạo môi trường làm việc thân thiện, khơi gợi được tiềm năng, sức sáng tạo, đóng góp của bác sĩ và cán bộ y tế trình độ cao để họ yên tâm gắn bó và phát triển nghề nghiệp” - Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành nhấn mạnh. 
Cũng theo chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, ngành y tế cần rà soát hệ thống y tế tư nhân trong việc cùng y tế công lập tham gia bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tỉnh sẽ tạo điều kiện về thủ tục đầu tư, ưu đãi về thuế, về đất đai để khuyến khích hệ thống y tế tư nhân phát triển, hướng tới việc người dân trên địa bàn được chăm sóc sức khỏe tốt nhất, dù là ở bệnh viện công hay tư.
Phương Liễu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét