Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

Người mẹ của cô bé “nhất định học ở Havard”

(Phunutoday) - Bà Lưu Vệ Hoa, mẹ của cô gái nổi tiếng Lưu Diệc Đình - người được 4 trường đại học hàng đầu thế giới chào đón - đã nhận được hàng nghìn cuộc điện thoại và hàng vạn bức thư hỏi về cách thức nuôi dạy con thành tài. Không thể trả lời hết các câu hỏi và những bức thư, bà Lưu Vệ Hoa đã cùng chồng là Trương Hân Vũ viết cuốn sách “Em nhất định sẽ học ở Harvard”, tái bản 32 lần chỉ trong vòng 1 năm sau khi ra đời.

Người mẹ kiên dịnh dạy con toàn tài

Lưu Diệc Đình
Lưu Diệc Đình
Lưu Vệ Hoa và chồng đã quyết định viết chung cuốn sách về con đường tư duy mới trong cách nuôi dạy con của họ thông qua quá trình trưởng thành của cô con gái giỏi giang Lưu Diệc Đình. Con đường mới ấy là “bắt đầu từ mốc 0 tuổi, bồi dưỡng toàn diện có thể phát triển và duy trì toàn bộ các tố chất”. Đứa con duy nhất của bà chính là đối tượng của con đường tư duy ấy, toàn bộ nội dung cuốn sách là đường đi nước bước tỉ mỉ cách mà bà đã dạy con thành tài, như một báo cáo thực nghiệm, ghi lại quá trình tiến hành “cá tính hóa” việc dạy con.
 
Với Lưu Vệ Hoa, mỗi đứa trẻ có một cách dạy dỗ khác nhau, tùy theo tính cách, đặc điểm của giáo dục tố chất là cá tính hóa sự bồi dưỡng, chứ không phải là một lưỡi dao, cứ thế đẽo gọt.
 
Quan điểm cơ bản của bà mẹ ấy là “giúp con thực hiện cái Tôi một cách đầy đủ nhất”, chứ không phải “thực hiện giấc mơ của cha mẹ thông qua con cái”. Đơn giản bởi vì xét cho cùng, đường đời của con chỉ có thể do con tự lựa chọn, cái mà cha mẹ có thể làm chủ yếu là bồi đắp thực lực và năng lực tự lựa chọn cho con. Bà chưa bao giờ ép con phải đạt được cái này cái kia, thi đỗ vào trường này trường nọ, bởi con trẻ và xã hội đều đang ở trong quá trình phát triển, tương lai có rất nhiều sự đổi khác, chỉ cần định hướng đúng, không từ bỏ con đường đã chọn là được.
 
Tốt nghiệp trung học, Diệc Đình lập tức sang Mỹ du học hoàn toàn là một việc ngoài dự liệu. Trước năm cô bé 17 tuổi, vợ chồng bà chưa từng nghĩ sẽ cho Diệc Đình đi du học. Họ chỉ kiên trì yêu cầu con làm tốt từng việc mà mình phải làm.
 
Bà Lưu Vệ Hoa khẳng định, Lưu Diệc Đình không phải là thiên tài, nhưng ngay từ nhỏ đã biết định hướng tương lai nhất định sẽ “hưởng thụ sự giáo dục tốt nhất, làm một con người ưu tú, làm giàu cho xã hội”. Theo bà Hoa, bất kể là ai, chỉ cần theo con đường đó đều sẽ có kết quả tốt, chỉ là sớm hay muộn mà thôi.

Kế hoạch và hành động đều quan trọng như nhau

Bà Lưu Vệ Hoa và người con gái tài giỏi Lưu Diệc Đình
Bà Lưu Vệ Hoa bên người con gái tài giỏi Lưu Diệc Đình
Trong cuốn sách, người đọc có thể nhận thấy người mẹ quản lý con rất nghiêm khắc, thế nhưng khi hỏi Diệc Đình về cảm giác khi bị quản lý như thế, cô gái nói không hề cảm thấy sự nghiêm khắc, cũng không thấy áp lực hay khó chịu gì từ sự nghiêm khắc mà mọi người nhận thấy cả.
 
Theo bà mẹ, đơn giản, đó là do bà đã luyện cho con quen mà thành tự nhiên. Việc dạy con không thể nào là chuyện một sớm một chiều. Giáo dục, là một quá trình từ không đến có, từ mâu thuẫn đến phát triển. Nói tới giáo dục, mọi người dễ dàng nghĩ tới từ “thuyết giáo”, song trên thực tế, đầu tiên, giáo dục cần phải là sự dạy dỗ đầy niềm vui và đầy động lực, tức là lợi dụng cơ chế hình thành niềm vui để giáo dục con. Quá trình đó bao gồm việc chơi cùng con, học cùng con, lớn lên cùng con.
 
Sự tiến bộ cùng nhau cần có một môi trường lành mạnh, tốt đẹp. Ở nhà bà Lưu Vệ Hoa, đọc sách là sở thích của mọi người. Cha mẹ làm gương cho con, tấm gương đó sẽ dần dần thẩm thấu vào đứa trẻ và hình thành thói quen cho nó. Lưu Diệc Đình rất hào hứng với việc học tập. Học được tri thức mới, với cô bé, là nhu cầu hệt như cơm ăn nước uống hàng ngày.
 
Bởi vậy, cô bé không bao giờ có cảm giác mệt nhọc khi học hành. Song làm sao để giữ được nhiệt tình học tập dồi dào mà không bị chán nản? Bà Hoa chia sẻ: Hãy để cho con liên tục được hưởng niềm vui của thành công. Cảm giác thành công của trẻ đến từ thái độ khuyến khích, tán dương của người lớn, và thành công thực sự không tách rời phương pháp và kỹ năng học tập hiệu quả. Ngoài ra, học cách lập kế hoạch là cực kỳ quan trọng.
 
Ở một trình độ nào đó, một người thành công hay không liên quan mật thiết tới việc lên kế hoạch cuộc đời và thực hiện kế hoạch đó như thế nào. Hành động và kế hoạch đều quan trọng như nhau. Lưu Diệc Đình dù có rơi vào hoàn cảnh nào, cô bé cũng đầy đủ kỹ năng để thay đổi trạng thái và tự điều chỉnh để kịp thời thích nghi, xác định rõ mục tiêu của mình, nhanh chóng thích ứng cuộc sống tại đó, đơn giản bởi cô bé có năng lực lập kế hoạch và thực hiện những gì mình đã vạch ra. Tại Havard, những việc tuần này của Diệc Đình đều đã được định trước và sắp xếp từ tuần trước cả.

Ký ức đơn thân của bà mẹ và chuyện dạy con gái xinh đẹp tự vệ


Từng là một bà mẹ đơn thân, bà Lưu Vệ Hoa có những trải nghiệm đặc biệt của người phụ nữ nuôi con một mình. Bà phản đối việc cho rằng, những gia đình cha mẹ đơn thân sẽ ít quan tâm tới dạy dỗ con hơn, cái gì mà hai người cho con được thì một người cũng cho con được. Rất nhiều gia đình có cha mẹ đi công tác dài ngày hoặc cha mẹ là quân nhân.
 
Gia đình đơn thân, trên thực tế, không khác về bản chất so với những gia đình đó. Bởi vậy, điều tiên quyết là cha mẹ đơn thân không nên tự quy mình vào một nhóm cá biệt, mà hãy xóa bỏ những mặc cảm và đặc tính của gia đình đơn thân, để con cái hiểu rằng mình và các bạn không có gì khác nhau cả. Thầy cô giáo cũng không phân biệt đối xử với con nhà có cha hoặc mẹ đơn thân, để ý quá tới việc này sẽ khiến con có tâm lý tự ti. Cô giáo của Lưu Diệc Đình cũng không biết rằng cô bé từng chỉ có một mình mẹ suốt thời kỳ mẫu giáo.
 
Lưu Diệc Đình không chỉ học giỏi mà còn xinh đẹp, bởi thế mà nhiều bậc cha mẹ rất tò mò về việc giáo dục con một cách toàn diện của bà Lưu Vệ Hoa. Điều đặc biệt là trong cuốn sách viết về quá trình dạy Lưu Diệc Đình, ông Trương Hân Vũ - chồng bà Lưu Vệ Hoa - lại là người viết chương “Vài điều nguy hiểm khi con gái xinh đẹp”. Ông đã dạy cho trả lời câu hỏi “hồng nhan tại sao phần nhiều là bạc mệnh?” qua những ví dụ thực tế, để Diệc Đình tự nhận thức được rằng, nhất định phải dựa vào thực lực tự thân để đứng vững trước quan niệm của xã hội.
 
Ở nhà, vợ chồng bà Lưu Vệ Hoa thường xuyên áp dụng “chiêu” lấy ví dụ thực tế. Ví dụ như, qua một bộ phim, một bài báo, một câu chuyện trên tạp chí, họ cùng con phân tích xem tại sao người này lại phạm tội và người kia lại bị hại. Thậm chí, họ còn thường giả dụ mình là người nọ người kia, hay là bạn của nhân vật nào đó thì mình sẽ làm thế nào. Thông qua những phân tích cụ thể như thế, Diệc Đình sẽ tự suy nghĩ, trao đổi, phán đoán… từ đó mà phát triển tri thức xã hội, nâng cao khả năng phán đoán và ứng biến.
 
Bà Hoa đã áp dụng cách làm này mỗi ngày để con gái dễ dàng tiếp thu và chú ý bảo vệ bản thân. Nhờ thế mà cha mẹ cũng không mất công mắng mỏ căng thẳng khi con mắc lỗi nữa. Trong lúc con học được cách tự vệ, không để mình bị tổn thương, cha mẹ cũng dạy con tránh xa tội lỗi, bởi vì không có tội nào là bẩm sinh cả. Cha mẹ có trách nhiệm cho con biết rằng xã hội và cuộc đời có những khu vực cấm, và pháp luật sẽ trừng phạt những ai xâm phạm vùng cấm đó.

Người mẹ giỏi việc nước, đảm việc nhà


Ở thành phố đông đúc và phát triển như Thâm Quyến, áp lực của người làm mẹ là rất nặng nề. Họ phải làm tốt cả công việc xã hội và làm tốt cả việc nuôi dạy con cái. Bởi vậy, không khỏi có những người mẹ lực bất tòng tâm vô cùng ngưỡng mộ bà Lưu Vệ Hoa như một tấm gương điển hình của người phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
 
Năm 15 tuổi, sau thời Cách mạng Văn hóa, bà Lưu Vệ Hoa đã phải tham gia công tác. Ở tuổi học trung học mà bà không được đọc một cuốn sách nào ngoài chút tri thức khoa học đến từ cuốn sách “Một vạn câu hỏi vì sao”. Thế nhưng, trong bà luôn ắp đầy một khát khao với tri thức, bà cũng luôn trông đợi ngày mình được bước vào giảng đường đại học.
 
Năm 1983, khi đó bà đã 30 tuổi, Lưu Vệ Hoa đã thi đỗ vào lớp chuyên tu Lý luận Hý kịch của Học viện Hý kịch Thượng Hải, do thầy Dư Thu Vũ chủ nhiệm. Bà là sinh viên nữ duy nhất và cũng là người đỗ cao nhất trong kỳ thi tuyển vào lớp đó. Thế nhưng, bà đã bỏ qua cơ hội không dễ gì có được này. Lúc ấy, Lưu Diệc Đình mới 3 tuổi, ở nhà không có người trông nom, vì lý do kinh tế, bà cũng không cho con đi học mẫu giáo được.
 
Bà tự nhủ, cơ hội học hành còn rất nhiều, mình vẫn có thể chọn những cách khác. Giả sử bây giờ bỏ con đấy không trông nom thì sau này không còn cơ hội sửa chữa nữa. Về sau, bà lại thi đỗ vào Đại học Điện ảnh, học được rất nhiều kiến thức có hệ thống. Bà không hối tiếc mà ngược lại, rất hạnh phúc vì bản thân vừa được học mà vẫn được ở bên đích thân dạy dỗ con. Thực tế đã chứng minh, việc từ bỏ lớp chuyên tu của bà là sáng suốt, nếu khi đó bà bỏ con không trông dạy thì hậu quả thật khó lường.
 
Bà và ông Trương Hân Vũ đều đồng ý với nhau là khi lợi ích gia đình và sự nghiệp cá nhân nảy sinh những xung đột, thì cha mẹ phải giữ được sự rạch ròi để bảo vệ gia đình, tránh những quyết định để rồi phải hối hận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét